Giới thiệu sách: Tô Hoài – nhà văn của mọi lứa tuổi
Như chúng ta biết đã biết cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn Việt Nam từ lâu luôn được bạn đọc yêu văn chương, đặc biệt là các bạn trẻ, quan tâm tìm hiểu. Đằng sau mỗi tác phẩm văn học là một cuộc đời người viết gắn liền với những hoàn cảnh lịch sử xã hội, có những điều bí ẩn không dễ gì chúng ta hiểu hết, thời gian càng lùi xa càng bí ẩn hơn.
Đặc biệt khi các em còn đang là những học sinh ngồi trên ghế nhà trường thì việc tìm hiểu về các tác giả tác phẩm trong chương trình sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình học tập của các em.
Bên cạnh những tuyển tập và toàn tập tác giả tác phẩm, gần đây xuất hiện ngày càng nhiều, đã có nhiều tên tuổi lớn của văn đàn Việt Nam được ấn hành phục vụ bạn đọc. Nhưng không phải người đọc nào cũng có điều kiện tiếp cận những công trình nghiên cứu dày dặn này.
Nhằm góp thêm một cách làm khác để giới thiệu các tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam đến với công chúng rộng rãi đặc biệt là các em học sinh, năm 2011 nhà xuất bản Kim Đồng đã xuất bản bộ sách Nhà văn của em. Với bộ sách này, bạn đọc sẽ có dịp tìm hiểu về cuộc đời và văn nghiệp của các nhà văn một cách nhẹ nhàng, khơi gợi mà vẫn khá đầy đủ. Trong buổi giới thiệu sách hôm nay thư viện dành giới thiệu đến các em một cuốn trong bộ sách này, cuốn sách có tựa đề: “Tô Hoài – Nhà văn của mọi lưa tuổi” do Nguyễn Văn Tùng biên soạn.
Nhắc đến Tô Hoài là nhắc đến một cây bút lớn mà tên tuổi và sự nghiệp của ông đã góp phần làm rạng rỡ nền văn học Việt Nam thế kỷ 20. Cuộc đời cầm bút của mình ông không đặc biệt ưu tiên viết cho một đối tượng nào, nhưng độc giả dù là thiếu niên, thanh niên, trung niên hay cao niên cũng đều có thể tìm thấy những nét đồng cảm, gần gũi và hứng thú qua từng trang văn của ông.
Chỉ với 54 trang sách được in trên khổ 15×20 cm nhưng cuốn sách nêu bật được cốt cách văn chương, thân thế, sự nghiệp đặc biệt sách còn có những tư liệu, hình ảnh quý giá lưu giữ những thời khắc sống động trong cuộc đời nhà văn, từ những bức chân dung, ký họa đến những dòng bút tích, những kỷ vật gắn bó của mỗi người…. Đó là những gì ẩn sau tác phẩm, nhưng là cội nguồn của mọi tác phẩm văn chương chúng ta đang học.
Các em đã biết tên thật của nhà văn Tô Hoài là gì chưa, tại sao ông lại lấy bút danh là Tô Hoài bút danh đó từ đâu mà có?
Đọc cuốn sách này các em không những sẽ giải đáp được những câu hỏi đó mà còn thấy hiện lên trước mắt một thời ấu thơ “ Sống như cây cỏ” rồi những năm tháng dài đi trọ học, biết được vì đâu ông đã giác ngộ và đi theo cách mạng. Sẽ biết được có phải chính những ngày không tiền bạc, không nghề nghiệp, “lang thang vào thành phố, tha thẩn vườn hoa Bách Thú, công viên Hồ Tây xem con cánh cam, con xiến tóc, quan sát đàn kiến đến khi có thể phân biệt được cách xây tổ của từng loài hay xem những quả xấu từ lúc rụng mắt cho đến khi vàng vàng, quả xấu chín”…. Đã làm nên Dế Mèn phiêu lưu ký, Trê và Cóc, Ông Trạng Chuối, Võ sĩ Bọ Ngựa, Đám cưới chuột, Chuột thành phố…khiến biết bao thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi say mê.
Đọc cuốn sách này các em sẽ biết được đâu là tác phẩm đầu tay đánh dấu cuộc đời văn nghiệp của Tô Hoài, biết được hoàn cảnh ra đời của “Núi cứu quốc” tác phẩm đầu tiên của mối duyên nợ văn chương giữa Tô Hoài và miền núi để rồi từ ấy ông đã có chặng đường sáng tác gắn bó với đề tài miền núi trong bốn mươi năm.
Có phải chính những ngày lên Tây Bắc hiếm muối phải ăn “rêu đá nướng”, “bọ hung xào” đã để thương để nhớ cho ông hình ảnh một Tây Bắc đau thương mà anh dũng và thôi thúc ông sáng tác tập “Truyện Tây Bắc”? Có phải tình yêu với miền núi trong ông đã hết khi không viết về miền núi sau bốn mươi năm gắn bó nhưng rồi lại để lại đời một “Nhớ Mai Châu”?!
Và ông đã có đóng góp gì cho thủ đô Hà Nội nghìn năm mà năm 2010 đã được nhận giải thưởng lớn “ Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội”?
Với cuốn sách này các em sẽ giải đáp được những điều băn khoăn đó!
Chỉ với 54 trang sách nhưng tác giả đã không bỏ qua một giai đoạn, một dấu mốc nào trong cuộc đời và sự nghiệp của Tô Hoài, đồng thời qua những tác phẩm để đời ấy tác giả Nguyễn Văn Tùng muốn khẳng định một sự thật rằng những trang viết của Tô Hoài không chỉ dành riêng cho một lứa tuổi mà ông thực sự là “Nhà văn của mọi lứa tuổi”.
Các em thân mến!
Các em muốn đọc cuốn sách này hãy tới thư viện trường, các em sẽ được hiểu thêm về một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của văn học thiếu nhi Việt Nam thế kỷ 20, đồng thời giải đáp được nhiều thắc mắc về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông.